Hạnh phúc là một chủ đề rất rộng. Mỗi người sẽ có một định nghĩa riêng về Hạnh phúc. Đối với mình, trong quá trình đi tìm kiếm các thông tin về Hạnh phúc, mình ấn tượng với khái niệm Sukha, được đề cập trong quyển sách “Search inside yourself – Tìm kiếm bên trong bạn” của tác giả Chade Meng Tan. Sukha là một từ Ấn Độ cổ , thường được dịch là “an lạc”, “hạnh phúc” hoặc “thanh thản”. Nhưng có một cách dịch mang tính kỹ thuật hơn, đó là “niềm vui vô năng lượng”. Sukha là niềm vui không đòi hỏi năng lượng.

Có 2 hàm ý quan trọng về phẩm chất vô năng lượng của Sukha. Đầu tiên là nó có khả năng duy trì cao vì nó không đòi hỏi phải giải phóng năng lượng. Thông thường, những niềm vui của chúng ta thường mang lại cho chúng ta một nguồn năng lượng khiến ta có cảm giác hưng phấn, và thường đòi hỏi ta giải phóng nó thông qua những hành động như muốn nhảy cẫng lên, muốn hét lên sung sướng, muốn chia sẻ niềm vui với ai đó. Và nếu như ta chịu khó quan sát diễn biến cảm xúc những lúc này, thì ta thấy, sự hưng phấn ban đầu giảm dần theo thời gian. Thế mới có những câu chuyện về việc có người mất cả đời dành dụm mua được căn nhà. Sau đó thì niềm vui sở hữu căn nhà mới, chỉ được đôi ba tuần, rồi giảm dần như một sự kiện bình thường. Đó chính là sự không bền vững của niềm vui thông thường; và niềm vui "vô năng lượng" Sukha gợi mở cho ta một suy nghĩ khác về Hạnh phúc. 

Hàm ý thứ hai của "niềm vui vô năng lượng", đó là vì không đòi hỏi năng lượng nên nó tinh tế đến mức phải có một tâm trí rất tĩnh lặng mới chạm đến được nó, giống như tiếng rì rầm nho nhỏ trong môi trường xung quanh của một căn phòng, chỉ có thể nghe thấy khi không ai trong phòng nói to. Điều đó có nghĩa là bạn cần học cách làm tĩnh lặng tâm trí mình để chạm đến Sukha, nhưng một khi đã làm điều đó thành thạo, bạn sẽ có nguồn hạnh phúc bền vững mà không cần phải thỏa mãn các giác quan.

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể có được sự tĩnh lặng trong tâm trí của mình? Theo tác giả Eckhart Tolle, 1 trong những vị thầy tâm linh có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay, trong cuốn sách "Sức mạnh của Tĩnh lặng" của ông, ông nói rằng: khi chúng ta nhận ra có một sự nhận biết như là một cái nền nằm sau tất cả những nhận thức của các giác quan, tất cả những suy tư; thì chúng ta đã bắt đầu tiếp cận được với sự tĩnh lặng của nội tâm. 

Nghe thế này thì có vẻ hơi trừu tượng và khó hiểu, mình sẽ chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình về vấn đề này. Năm 2016, mình có tham gia khóa thiền Vipassana ở một trung tâm thiền nằm ở ngoại ô Sài Gòn. Có một hôm, sau giờ thiền, mình ngồi nghỉ ngoài mái hiên nhà, ngoài trời mưa rả rích. Mình ngồi ngắm mưa, và phát hiện ra một cảnh tượng rất đẹp. Những chiếc lá cây rung rinh bởi từng giọt mưa, như đang múa, đang reo vui. Mọi vật dường như rất sống động. Giây phút đó thời gian như ngừng trôi, và dường như không còn một con người nào đang ở đấy quan sát, mà tất cả như hoà tan vào làm một. Nó mang đến một sự bình yên kỳ lạ.

Ngoài cách nhận biết sự tĩnh lặng thông qua những trải nghiệm cá nhân như trên, có một cách mà ta có thể đạt được sự tĩnh lặng nội tâm, thông qua việc quan sát những cảm giác, cảm xúc, những suy nghĩ của chúng ta. Khi chúng ta buồn, hay chúng ta vui; liệu chúng ta có duy trì được nỗi buồn hay niềm vui này liên tục trong 1 năm, 1 tháng, 1 ngày, thậm chí là 1 giờ thôi? Điều này có vẻ như là bất khả thi. Những cảm xúc, suy nghĩ; chúng đến rồi lại đi, kể cả ta dùng lý trí cũng không thể giữ chúng lại được. Còn nếu bạn đã từng có trải nghiệm về việc quan sát một cơn giận. Bạn sẽ cảm nhận rõ ràng cơn giận đó không phải là mình. Nó cuốn mình mình đi, ép buộc mình suy nghĩ và hành động theo ý nó. Và khi hành động xong thì đa phần mình sẽ cảm thấy hối hận vì những hành động gây tổn thương người khác của mình, thậm chí ngay sau khi mình hành động, mình đã thấy ân hận rồi. Vì thế, có thể nói rằng, cảm xúc của chúng ta không phải là chúng ta. Nó đến và đi như đám mây trên bầu trời. Và cuối cùng thì chúng ta chính là bầu trời.

Alan Wallace, một chuyên gia hàng đầu của thế giới về phương pháp tập trung thư giãn, có một câu nói rất hay về Hạnh phúc, đó là: "Hạnh phúc là trạng thái mặc định của tâm trí". Tức là khi chúng ta quay trở về với bản chất của mình, là bầu trời xanh không một bóng mây, thì đó là khi chúng ta có Hạnh phúc. Muốn làm được điều này, chúng ta phải rèn luyện tâm trí để nó đi đến trạng thái an tĩnh và rõ ràng, vừa thư giãn và cảnh giác trong cùng một lúc. Cảnh giác ở đây chính là sự tập trung. Chúng ta hãy xem mô thức tâm trí của chúng ta. Khi tâm trí ta chú ý vào một đối tượng nào đó một cách có ý thức, thì ta cũng không thể duy trì sự chú ý này lâu được. Tâm trí ta sẽ lại chuyển sự chú ý sang đối tượng khác.Và khi sự chú ý chuyển từ cái này sang cái khác, thì tâm trí biết điều đó, để điều chỉnh lại sự chú ý vào mục tiêu ban đầu. Đó chính là sự Cảnh giác (hay sự Tập trung) của tâm trí.

Điều đặc biệt ở đây là khi rèn luyện sự Tập trung đủ lâu thì sự Thư giãn cũng sẽ đến một cách tự nhiên. Nó giống như việc tập xe đạp. Đầu tiên cần phải có sự tập trung để giữ được xe thăng bằng. Sau khi tập luyện đủ, bạn gần như không phải căng óc lên để tập trung vào việc giữ thăng bằng xe nữa. Và bạn có được trải nghiệm vừa tiến về phía trước, vừa thư giãn trong cùng một lúc.

Để rèn luyên sự tập trung, ta rèn luyện sự chú ý, và sự tự chú ý. Như đã nói ở ví dụ trên. Khi sự chú ý của chúng ta lang thang từ đối tượng này sang đối tượng khác, thì sự tự chú ý giúp cho chúng ta trở về đối tượng ban đầu. Ta có thể rèn luyện kỹ năng này một cách chủ động, thông qua một đối tượng dễ tiếp cận nhất, luôn ở bên ta, đó là Hơi thở của ta.  Đối với mình, ý tưởng về việc tạo ra thói quen Hạnh phúc, chỉ đơn giản bằng việc chú ý đến hơi thở của mình; là một ý tưởng tràn đầy cảm hứng. Nó giúp cho chúng ta luôn tự tin rằng: Hạnh phúc đang ở đây rồi, hoàn toàn có con đường đơn giản để đến được với Hạnh phúc.

Quay trở lại chủ đề rèn luyện sự chú ý và tự chú ý. Chúng ta có thể chuyển đổi sự chú ý, từ Hơi thở của ta sang một đối tượng khác trên cơ thể của chúng ta, như bước chân mỗi khi chúng ta đi, cảm giác trên thân của chúng ta...; hoặc một đối tượng bên ngoài ta: như người thân trong gia đình, bạn bè hoặc khách hàng, đối tác... Một trong những thói quen của mình đó là luôn dành sự chú ý (hay hiện diện) mỗi khi ở bên các con, nhất là những buổi sáng khi bọn trẻ nhà mình thức dậy. Buổi sáng thức dậy, con gái 18 tháng tuổi của mình thường bò sang chỗ anh và bố, trêu đùa với mọi người trong nhà. Tiếng cười hồn nhiên và những hành động đáng yêu của các bạn ấy, là niềm vui cho cả gia đình. Mình phát hiện ra là mỗi lần mình sống hoàn toàn với khung cảnh đáng yêu đó, lúc đó lòng mình như mở ra, nó như một dòng nước mát chảy róc rách trong cơ thể. Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong ngày của mình.

Đó là đôi điều mình chia sẻ về chủ đề Hạnh phúc. Dù có thể đây chỉ là một góc nhỏ về Hạnh phúc mà mình biết và là trải nghiệm cá nhân của mình. Nhưng biết đâu nó có thể giúp ai đó có một gợi ý về con đường đi đến Hạnh phúc của mỗi người.


Nguyễn Hữu Hân - chuyên gia Khai vấn (ICF ACSTH 70-hour Certified Coach)

0 comments Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
NGHỀ KHAI VẤN © 2020 - happiLab
Top